Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Ứng dụng nhiều công nghệ cơ khí chế tạo mới

Chương trình cơ khí chế tạo KC.05/06-10 là chương trình KH – CN trọng điểm cấp Nhà nước. Trong quá trình thực hiện từ năm 2006 – 2010, chương trình đã đem lại những thành công ấn tượng. Nhiều đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ cơ khí chế tạo đã được nghiệm thu và ứng dụng thực tiễn. Do đó, trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam được xác định tiếp tục cần hiện đại hóa, trong đó lấy KH – CN làm trọng tâm.



Nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo được áp dụng trong thực tiễn.
Qua 5 năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ KH-CN đã được Ban chủ nhiệm tuyển chọn, đề xuất đưa vào chương trình như: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị cho Nhà máy nhiệt điện 600MW; trạm thủy điện 20MW; nhà máy xi măng 1 triệu tấn/năm; tàu chở dầu 100 ngàn tấn…

Hầu hết các sản phẩm của đề tài, dự án trong chương trình là sản phẩm mới có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng và đều có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như: máy vớt bèo, cắt rong, cỏ dại dưới nước; máy CNC sản xuất bê tông cốt thép kích thước lớn; hệ thống thiết bị sản xuất các tinh dầu, dầu gia vị; xe cần cẩu bánh xích 100 tấn; hệ thống thiết bị hàn tự động nối ống có đường kính lớn ở trạng thái không quay; máy cắt vật liệu cứng bằng tia nước áp lực cao điều khiển CNC; máy đo tọa độ 3D; máy dập cắt vật liệu điều khiển CNC trong ngành giầy dép...

Bên cạnh đó, chỉ tiêu về sở hữu trí tuệ, cho đến nay, 12% nhiệm vụ có giải pháp được công nhận sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, 19% số nhiệm vụ đã được chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp. Chỉ tiêu về đào tạo: 50% số dự án, đề tài có tham gia đào tạo tiến sỹ hoặc thạc sỹ.

Nhìn chung, mặc dù còn 4 dự án, đề tài mới nghiệm thu cấp cơ sở và gần một nửa tổng số đề tài chưa kết thúc nhưng so với giai đoạn 2001 - 2005 thì các nhiệm vụ KH-CN của giai đoạn 2006 - 2010 có độ phức tạp và yêu cầu về trình độ KH-CN đòi hỏi cao hơn, vì vậy có 4 đề tài phải xin dừng thực hiện. Các đề tài còn lại đều hứa hẹn có kết quả tốt cả về giá trị KH-CN lẫn giá trị kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ số dự án/tổng số đề tài-dự án của Chương trình KC.05.06-10 trong giai đoạn 2006 - 2010 (06/26; 23%) ít hơn Chương trình KC.05 của giai đoạn 2001 - 2005 (14/43; 33%). Nguyên nhân là do giai đoạn 2006 - 2010 đòi hỏi vốn đối ứng và các điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng không thiết tha chủ trì các dự án sản xuất vì độ rủi ro cao, thủ tục tuyển chọn, đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị phức tạp, không đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và thị trường. trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước không đáng kể (hỗ trợ 30% và lại thu hồi 80% kinh phí cấp thực hiện).

Trong giai đoạn 2011 - 2020, cơ khí chế tạo được xác định giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để khẳng định vai trò đó, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam cần phải tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng KH-CN đảm bảo cho phát triển nhanh, bền vững.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực KH-CN trình độ cao, kiến thức hiện đại cho ngành cơ khí chế tạo Việt Nam bằng cách Nhà nước cử sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân kỹ thuật đi học nước ngoài một cách đồng bộ. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí đào tạo đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm mới. Tăng cường tiềm lực nghiên cứu phát triển (R&D) cho các doanh nghiệp cơ khí.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư sản xuất và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy; tạo điều kiện cho các hội KH-CN ngành nghề có kinh phí để thẩm định thông tin, giúp đỡ, hoàn thiện các sáng kiến, sáng chế của nông dân, công nhân; khuyến khích các doanh nghiệp chủ trì các dự án sản xuất. Đẩy nhanh quá trình “tích tụ vốn” đối với doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN ngành cơ khí chế tạo.

Theo baocongthuong.com.vn

robot Viet Nam

Năm 2010 đánh dấu cột mốc thành công ban đầu của nền khoa học chế tạo robot Việt Nam khi một doanh nghiệp Việt “đem... robot đi đánh xứ người” và gây được tiếng vang.

Linh hoạt trong vận hành, hoạt động tinh vi, nhanh và chuẩn xác, làm việc trong môi trường độc hại, có khả năng thay thế sức người... là những ưu điểm đáng giá từ robot. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu robot đang được đầu tư qua các đề tài nghiên cứu, qua cuộc thi ROBOCON được tổ chức hằng năm nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao giúp phát triển ngành công nghệ robot trong nước. Trưởng thành từ cuộc thi ROBOCON, Hồ Vĩnh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Robot TOSY (gọi tắt là TOSY), đã thành công khi đem robot “made in Vietnam” ra thế giới.

Robot “made in Vietnam”

Tại Triển lãm Tự động hóa lớn nhất thế giới Automatica diễn ra tại Đức vào tháng 6-2010, TOSY đã ra mắt robot biết đánh bóng bàn - TOPIO - và gây tiếng vang cho nền khoa học chế tạo robot Việt Nam. Ngoài TOPIO, TOSY còn ra mắt hơn chục mẫu robot công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, TOPIO Dio - robot phục vụ nhỏ gọn - lần đầu tiên được giới thiệu, có thể vận hành mọi nơi nhờ một camera tích hợp và cảm ứng chướng ngại vật được đánh giá cao.

Khách tham quan bị thu hút bởi những chú robot “made in Vietnam”. Nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên vì Việt Nam còn yếu kém về khoa học chế tạo robot nhưng đã trình làng những robot có thiết kế và hiệu năng hoạt động ấn tượng. Ngay cả những “ông lớn” trong lĩnh vực chế tạo robot cũng bị bất ngờ trước những robot đến từ Việt Nam vì chúng có chất lượng không thua kém, trong khi giá chưa đến một nửa so với các mẫu robot cùng chức năng trên thị trường.

Yếu tố giá rẻ có được nhờ TOSY tự làm hết mọi khâu, từ ý tưởng, thiết kế đến kế hoạch sản xuất. Giá rẻ đã giúp TOSY ký kết hàng loạt hợp đồng, trong đó có những hợp đồng giá trị lớn. “Chế tạo thành công robot chất lượng cao mà chi phí thấp là rất khó nhưng để khách hàng tin tưởng vào robot mang thương hiệu Việt còn khó hơn” - anh Hồ Vĩnh Hoàng chia sẻ.

Cũng theo anh Hoàng, những robot do TOSY chế tạo đã phải vượt qua nhiều thử thách chất lượng để các đối tác lớn đến từ Mỹ, Nhật, Đức... nhận làm nhà phân phối.

Nhiều ưu thế

Ưu thế hàng đầu của robot “made in Vietnam” là chi phí sản xuất thấp. Điều này có được dựa trên chi phí nhân công thấp và quan trọng nhất là khả năng khép kín trong quá trình sản xuất của TOSY. Nhiều bộ phận quan trọng của robot như bộ điều khiển, kết cấu cơ khí, phần mềm quản lý, hộp giảm tốc... đều do TOSY tự nghiên cứu và sản xuất nên có giá cạnh tranh, đồng thời phải luôn bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Sắp tới, TOSY đầu tư xây dựng các nhà máy như: Nhà máy đúc và luyện kim, nhà máy chế tạo động cơ, nhà máy lắp ráp mạch, nhà máy ép nhựa, nhà máy lắp ráp và thử nghiệm robot, trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới... để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các đơn đặt hàng ngày càng tăng. “Không dừng lại ở robot công nghiệp, chúng tôi đang có tham vọng đẩy mạnh phát triển của công ty, đưa robot dịch vụ dáng người đến từng gia đình, góp phần thay đổi cuộc sống con người trong tương lai...” - anh Hoàng cho biết.

Nhà sáng chế robot 8X

Hồ Vĩnh Hoàng sinh năm 1981, từng là đội trưởng đội ROBOCON Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giành ngôi vô địch cuộc thi ROBOCON năm 2003.




Hồ Vĩnh Hoàng và một robot do công ty của anh chế tạo. Ảnh: TOSY

Từ nhỏ Hoàng đã mày mò tự chế tạo các loại đồ chơi như canô, ô tô, súng... Đến nay, niềm say mê robot khiến anh vẫn thường xuyên thức trắng đêm để nghiên cứu một cơ cấu hay là một giải thuật điều khiển mới cho robot.

Thành công đầu tiên của Hoàng là chế tạo đĩa bay BOOMERAMA, tiền thân của đĩa bay TOSY, sau đó là robot biết đánh bóng bàn TOPIO rồi đến robot phục vụ nhỏ gọn TOPIO Dio... Những sản phẩm đó đã giúp tên tuổi TOSY vang xa.